Chẩn đoán lao phổi ~ Sức khỏe Bệnh Phổi

Chẩn đoán lao phổi

Chẩn đoán lao phổi

Lâm sàng chẩn đoán lao phổi

- Toàn thân: Sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân.
- Cơ năng: Ho, khạc đờm, ho ra máu, đau ngực, khó thở.
- Thực thể: Nghe phổi có tiếng bệnh lý (ran ẩm, ran nổ,....).

Cận lâm sàng chẩn đoán lao phổi

- Soi đờm trực tiếp tìm AFB: Tất cả những người có triệu chứng nghi lao phải được xét nghiệm đờm phát hiện lao phổi. Xét nghiệm 2 mẫu đờm tại chỗ được hướng dẫn lấy đúng cách, thời điểm lấy mẫu 1 và mẫu 2 phải cách nhau trên 2 giờ.   
- Xét nghiệm Xpert MTB/RIF nếu có thể.
- Nuôi cấy tìm vi khuẩn lao: Nuôi cấy trên môi trường đặc cho kết quả sau 3-4 tuần. Nuôi cấy trong môi trường lỏng (MGIT).
- Xquang phổi chuẩn: Hình ảnh trên phim Xquang gợi ý lao phổi tiến triển là thâm nhiễm, nốt, xơ hang, có thể co kéo ở 1/2 trên của phế trường, có thể 1 bên hoặc 2 bên. Ở người có HIV, hình ảnh Xquang phổi ít thấy hình hang, tổn thương khoảng kẽ nhiều hơn và có thể ở vùng thấp của phổi.
- Phản ứng Tuberculin (Mantoux): Phản ứng Mantoux chỉ có ý nghĩa hỗ trợ trong chẩn đoán, nhất là chẩn đoán lao ở trẻ em khi phản ứng dương tính mạnh (≥ 15 mm đường kính cục phản ứng với Tuberculin PPD).

 Chẩn đoán xác định lao phổi

- Lao phổi AFB(+): Có ít nhất 1 mẫu đờm hoặc dịch phế quản, dịch dạ dày có kết quả AFB(+) tại các phòng xét nghiệm được kiểm chuẩn bởi Chương trình chống lao Quốc gia.
- Lao phổi AFB(-): Khi có 2 mẫu đờm AFB(-),người bệnh cần được thực hiện quy trình chẩn đoán lao phổi AFB(-) (phụ lục 1).
Người bệnh được chẩn đoán lao phổi AFB(-) cần thoả mãn 1 trong 2 điều kiện sau:
            + Có bằng chứng vi khuẩn lao trong đờm, dịch phế quản, dịch dạ dày bằng phương pháp nuôi cấy hoặc các kỹ thuật mới như Xpert MTB/RIF.
            + Được thầy thuốc chuyên khoa chẩn đoán và chỉ định một phác đồ điều trị lao đầy đủ dựa trên (1) lâm sàng, (2) bất thường nghi lao trên Xquang phổi và (3) thêm 1 trong 2 tiêu chuẩn sau: HIV(+) hoặc không đáp ứng với điều trị kháng sinh phổ rộng.
- Lao kê: Là thể lao phổi khó chẩn đoán vì thường nhầm với một số bệnh khác.
Lâm sàng: Triệu chứng lâm sàng thường rầm rộ với triệu chứng toàn thân nhiều hơn là triệu chứng hô hấp, sốt cao liên tục, kéo dài không rõ nguyên nhân. Có thể gặp bệnh cảnh lâm sàng không rầm rộ. 
Chẩn đoán xác định: Thể điển hình có bệnh cảnh lâm sàng nặng, cấp tính, Xquang phổi có nhiều nốt mờ kích thước nhỏ đậm độ đều và lan toả phân bố  khắp 2 phổi. Xét nghiệm vi khuẩn lao tại các mẫu bệnh phẩm (đờm, nước tiểu, máu) có thể dương tính.
Ngoài tổn thương tại phổi, lao kê thường có tổn thương ngoài phổi, trong đó cần chú ý đến lao màng não, nhất là ở trẻ em và người nhiễm HIV.
d. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh: Giãn phế quản, ung thư phổi, viêm phổi, áp xe phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ở người có HIV cần phân biệt chủ yếu với viêm phổi, nhất là viêm phổi do Pneumocystis jiroveci hay còn gọi là Pneumocystis carinii (PCP).

0 comments :

Post a Comment